Trong một hội thảo về âm nhạc gần đây, có nhạc sĩ đã khuyến cáo rằng không nên dùng từ "nhạc sến" để chỉ một dòng nhạc mà thay vào đó hãy gọi là nhạc Pop, nhạc Rock, nhạc Rap, Hip-hop, R&B... theo đúng cách mà thế giới vẫn gọi. Theo ông, thế giới làm gì có dòng nhạc nào gọi là "nhạc sến". Dĩ nhiên, đó chỉ là ý kiến của một cá nhân (dù là nhạc sĩ), nêu lên trong một buổi hội thảo (dù do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức) nên chúng ta cũng không nhất thiết phải lấy đó làm bực bội.
Trong một cách nói khác, có vẻ cực đoan hơn: Khi người ta có thể dành riêng một danh hiệu "Nhạc đỏ" thì tại sao "Nhạc sến" lại không được có tên? Thực chất, cái tên "Nhạc sến" bị cố gắng hạn chế bởi nó, một cách kỳ lạ, đã bị đánh đồng với "Nhạc vàng" - dòng nhạc BỊ CẤM (hoặc nếu không cấm được tuyệt đối thì bị hạn chế tối đa) tại Việt Nam.
Nhạc vàng là dòng nhạc Việt Nam ra đời từ thập niên 1960 với những giai điệu nhẹ nhàng (boléro, rumba, ballade ...) và ca từ vừa bình dân, dung dị lại vừa đậm chất thơ. Trước năm 1975, dòng nhạc này chủ yếu phổ biến trong miền Nam. Sau đó, mặc dù bị cấm trên các phương tiện truyền thông, nhạc vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Đối với người Việt ở hải ngoại thì nhạc vàng trở thành một dòng nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc.
Cái tên "Nhạc vàng"được người dân gọi sau năm 1975 để phân biệt với dòng "Nhạc đỏ" của miền Bắc.
Các nhạc sĩ nổi tiếng của khuynh hướng nhạc vàng có Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Vinh Sử, Châu Kỳ, v.v.; và các ca sĩ là Thanh Tuyền, Chế Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, v.v.
Sau năm 1975, nhạc vàng đã bị chính quyền Việt Nam phân loại thành dòng "nhạc đồi trụy", đôi khi còn bị ghép thêm hai chữ "phản động" vì cho rằng đây là loại nhạc ru ngủ có khả năng tạo ra mầm mống phản cách mạng. Mãi đến khi bắt đầu thời kì đổi mới thì các loại nhạc vàng mới dần dà được xem xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm.
Về mặt lý luận âm nhạc thì nhạc vàng hay nhạc đỏ cũng không sao bởi đó đơn giản là tên của hai dòng nhạc, với những đặc trưng khác nhau, hiện đang tồn tại tại Việt Nam như một tồn tại khách quan. Tuy nhiên, chính vì lý do "Nhạc vàng là nhạc đồi truỵ, nhạc phản động, nhạc của phía bên kia" nên nó đã không được phép tồn tại chính thức và luôn gặp phải sự ngăn chặn trong hành trình phát triển của nó.
Nhạc sến, tự thân không phải là nhạc vàng. Tuy có nhiều điểm tương đồng như: cùng tồn tại trong một không gian văn hóa, cùng dựa trên các đặc trưng về tiết tấu, về cách xử lý ca khúc của ca sĩ thể hiện...
Sau cột mốc lịch sử 30/04/1975, nhạc vàng đã chấm dứt thời kỳ phát triển của nó tại Việt Nam mà chỉ tồn tại như những tàn dư. Nhạc vàng vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng trong cộng đồng người Việt lưu vong tại các nước ngoài lãnh thổ Việt Nam.
(Tài liệu được xem tại myopera)