Thật tuyệt vời! Các hảo thủ đều ra tay, còn ta sao lại không? Ủng hộ Thanh Thanh một bài viết
TÌNH BẠN TRONG NHẠC VÀNG
Có người hỏi tôi: "Tại sao hay ca bài ca sầu nhớ, hay ngắm trăng mờ hoàng hôn?..."
Tôi mượn câu hát này của nhạc sĩ Anh Bằng để mở đầu cho một bài viết hay đúng hơn là một câu trả lời cho "lẻ bóng". Dù giờ không còn tiếng súng, không còn chia ly tang tóc,... nhưng vẫn còn đó những kiếp nghèo, vẫn còn đó những mảnh đời éo le, sầu khổ, vẫn còn đó những mối tình dang dở, còn đó những nỗi niềm tha thiết, mà mỗi câu hát mượt mà như những điệu dân ca, những câu hò mượt mà say đắm như du dương, réo rắt trong lòng người nghe. Ở mỗi lúc nào đó, thì nhạc vàng vẫn tồn tại. Nhạc vàng - một hình loại âm nhạc phổ biến viết tất cả những gì trong cuộc sống, đâu có phải chỉ là về người lính thời chiến cuộc, đâu chỉ có nhưng cuộc tình chia ly sầu khổ, đâu chỉ có những lời than van với kiếp nghèo,... Và ở đó còn có những tình bạn, những ca khúc viết về tình bạn thật sâu sắc, xác thực, mà mỗi khi nghe, chúng ta đều phải suy nghĩ về tình bạn trong bản thân mỗi người.
Trong những năm đất nước loạn lạc, thì lý tưởng cao quý nhất của mỗi người trai là lý tưởng cho hoà bình, cho non sông đất nước. Biết bao nhiêu người trai đã xếp bút nghiêng vui buổi đăng trình. Bạn bè xa nhau chưa kịp nói câu từ tạ:
Biết rằng anh sẽ buồn
Ngày mai đến nhà tôi, mong thăm người bạn cũ
Dừng bước chân đầu ngõ
Anh thấy nhà chơ vơ
Không tiếng cười trẻ thơ
Người người ước đợi chờ
Một màu lam thương nhớ
Hỏi thăm ai cũng biết tôi lên đường tòng chinh
Giờ tôi nghiệp lính...
Đời tôi đã vướng kiếp phong trần rồi bạn ơi
(Thương về quán trọ)
Thế đấy, người lên đường tòng chinh chưa kịp vui một lần với bạn bè, chưa kịp giã từ người thân. Ý trai thời ấy là vậy, và còn hơn nữa:
Tôi đưa người đi bước chân chung nhịp giã hành
Tuổi đời vừa xanh như nụ hoa nở thêm cánh
Đã phân ly một lần
Tiễn anh thêm một lần
Áo đẹp màu chinh nhân
Tôi - anh đôi bạn đường ta dìu nhau
Anh đi tôi ở mình vui được sao?
(Một chuyến đi hai kỷ niệm)
Ngày ấy, làm sao người trai có thể ngồi yên khi non sông đôi đường. Bạn đi, giờ mình cũng đi. Cả hai đều lên đường chiến đấu. Và trong khói lửa ấy, giây phút tình cờ gặp lại nhau ôi sao mừng đến vậy.
Suốt đêm không ngủ, bên tách cà phê đen
Chúng ta ôn chuyện đời
Tình cờ gặp nhau, hai đứa cùng đơn vị
Không ngăn được nỗi mừng
Anh kể tôi nghe ngày anh mới ra trường.
(Mười năm tái ngộ)
Dù cho đêm sương giá lạnh, dù cho ánh hoả châu vẫn từng lúc bừng sáng thì vẫn không ngăn được tình bạn hai người. Ngồi hàn huyên tâm sự, ôn lại những chuyện xưa, kể cho nhau những tâm tình thủa ấy, nói cho những bước đường vừa trải qua. Câu chuyện dường như còn mãi, chỉ muốn đêm dài mãi. Cũng phần rằng:
Bạn ơi! Tôi biết anh buồn vì ngày mai sắp lên đường
Hợp - tan, đời như là những áng mây trôi theo thời gian
(Người về đơn vị mới)
Đúng vậy, sống ở thời ấy, hợp tan nó cũng mỏng manh như ánh mây vậy, thoát hợp, thoát tan. Bạn bè hôm nay có thể ngồi đây, nhưng ngày mai ai mất, ai còn thì không thể nói trước điều gì. Chỉ biết cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, an ủi, động viên nhau sống trọn kiếp trai hùng. Để rồi có lúc lại sum vầy:
Mình ba đứa hôm nay gặp nhau
Nâng ly cà phê ngát mùi hương dạt dào
Chiều thu về gió lạnh đìu hiu
Thấy tâm tư dạt dào,...
Thấy buồn buồn làm sao!
(Ly cà phê cuối cùng)
Thế đấy, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nhưng phía trước vẫn là chuỗi ngày khói lửa binh đao, còn biết bao sự hy sinh nữa mà trong mỗi người ai biết được.
Ngày mai một trong hai ba đứa không chung đường
Chắc nhớ nhau nhiều lắm!
(Chúng mình ba đứa)
Hay:
Mình vui đêm nay
Rồi mai chia tay... mỗi người đi một ngã
Từ giã Quang Trung
Anh ra vùng hoả tuyến
Tôi về miền cao nguyên
(Tình bạn Quang Trung)
Sự gặp mặt sum vầy ấy, chẳng bao lâu lại trở thành cuộc chia ly, giã biệt. Mà đó có thể là cuộc chia ly cuối cùng.
Hai năm sau... mới có thư về
Nhìn còn dấu ghi nơi nắng cháy biên thuỳ
Người quen cho biết tin
Bạn tôi thương mến, đã liệt oanh ngã xuống khắp đơn vị tiếc thương.
(Tôi và nó)
Sự tiếc thương ấy sẽ vẫn còn mãi tới muôn đời. Sự hy sinh ấy vì quê hương, vì giống nòi đáng để người đời trân trọng, và còn mãi trong lòng những người thân, người đồng chí. Thời ấy, người ta coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vậy! Cuộc sống con người sao lại mỏng manh đến vậy! Có người lính bị thương binh, được trở về quê nhà. Nhưng người ấy sao đành lòng trước những gì mà người đồng đội vẫn còn xông pha nơi tuyến đầu. Biết làm sao hơn những lời hỏi thăm cầu chúc cho người còn lại:
Người tình ngày nào tôi yêu
Trước hay viết thư thăm bọn mình
Giờ là vợ hiền thương binh
Nên đời luôn nhiều nỗi ưu phiền
Các anh đang miệt mài
Vui ngày đêm tranh đấu
Tôi không quên nguyện cầu
Bạn bè mình gặp nhau...
(Tâm sự người thương binh)
Đâu phải thời ấy mỗi người lính cầu nguyện chinh chiến qua mau, mà vẫn luôn còn những mẹ già mong ngóng con xa, những thiếu phụ trông chồng, những bé thơ hoảng loạn trong tiếng súng giày xé từng đêm,... họ cũng luôn cầu nguyện cho tới một ngày hoà bình. Ngày trở về nguyên vẹn của những người thân.
Ngày ấy, cũng có những tình bạn mà không hẳn hai người đã cùng cầm súng. Một người đang gian lan nơi sa trường, một người tiếp tục theo đuổi sách đèn, hay cống hiến âm thầm nơi phố thị thì tình bạn ấy cũng không phai nhoà.
Hơn hai mươi năm
Chinh chiến điêu tàn
Đau xót vô vàn
Tôi sống âm thầm
Không nói lên lời
Nên viết bài ca tặng người
(Xin anh giữ trọn tình quê)
Hay:
Anh sống đời trai giữ núi rừng
Tôi chép bài ca xây đời mới
(Trăng tàn trên hè phố)
Và đó cũng có thể là:
Thư trước Hùng gửi thăm tôi
Nhằm ngày thi sắp tới
Nên tôi không trả lời
(Lá thư đô thị)
Tình bạn dù ở trong thời loạn, hay thời bình thì vẫn luôn cao đẹp. Sự gắn bó, thấu hiểu nhau qua từng ánh mắt nụ cười. Dù họ ở bên nhau, hay cách trở thì vẫn luôn giữ trọn tình bạn bền vững dài lâu. Cuộc sống luôn xoay vần đổi thay, con người ta không thể ngồi mãi một chỗ. Mỗi người có một con đường đi cho mình, dù tất cả con đường ấy đều dẫn tới một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nếu như ai đã từng là sinh viên xa nhà thì khi nghe bài hát Chia xa của Hồng Vân không khỏi suy ngẫm, xúc cảm nghẹn ngào. Những năm tháng bên nhau chia sẻ, ngọt bùi, ngày tan trường cũng là ngày chia xa. Thử hỏi ai không buồn:
Đêm nay còn ngồi đây
Ngày mai cách xa rồi
Khiến kẻ đi người ở
Đêm nay còn ngồi đây
Ngày mai gác trọ này
Sẽ vắng đi một người
....
Mai xa bạn đừng quên
Ngày tôi tiễn đưa bạn
Lúc túi không còn tiền
(Chia xa)
Than ôi! Tình bạn trong khó khăn mà vẫn còn quý trọng với nhau là vậy, mai sau cuộc sống đổi thay, tâm tính người có đổi thay không? Nhưng đã là bạn của nhau thì luôn tin tưởng nhau, cầu chúc cho nhau trên đường đi "nhiều may, ít rủi, an lành". Và trong xa xôi vẫn luôn nhớ về nhau:
Đêm trắng đêm, chong đèn tôi viết những chuyện xưa bọn mình
Ngày anh với tôi, như hình với bóng kết thân đôi đầu xanh
Nhớ nhau khi bình minh, gối tay nhau tàn canh
Nhìn đời bằng ánh mắt ân tình sáng long lanh
Vào đời bằng tiếng hát trung thành nhớ không anh
Nghĩ gì lá xa cành.
(Hồi tưởng)
Nhạc vàng là thế đấy! Nó viết lên một mảnh đời trong cuộc sống, nó viết lên một cách chân thực, giản dị nhưng cũng đủ để người ta say đắm. Ai chê nhạc vàng, người ấy không có tâm hồn, không có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, con người ấy hờ hợt, vô tâm, lãng xẹt như những bài hát nhếch nhác, nhí nhố của lũ trẻ miệng còn hôi sữa nghêu ngao. Và trong diễn đàn, hay trong cuộc sống, hãy trân trọng những gì mình đang có. Trân trọng tình bạn của chúng ta, dù đó chỉ là quen nhau trên mạng, không ảo tưởng đâu, mà xác thực chân thành.
Hải Phòng ngày 19/1/2008